Thứ Hai, 1 tháng 1, 2001

Phòng tránh loãng xương tuổi mãn kinh

Mẹ cháu năm nay 51 tuổi, vừa rồi bị vấp cầu thang ngã bị gãy xương cổ tay phải đeo nẹp cố định, bác sĩ kết luận nguyên nhân do bị loãng xương. Xin quý báo cho biết cách phòng tránh căn bệnh này.

Nguyễn Hải Anh(Vũng Tàu)

Bệnh loãng xương là bệnh lý làm xương yếu dần và gây hậu quả xương giòn và dễ gãy. Nếu bị loãng xương thì nguy cơ bị gãy xương đặc biệt là gãy cổ xương đùi, cột sống và cổ tay rất dễ xảy ra. Ở độ tuổi của mẹ cháu, loãng xương hoàn toàn có thể xảy ra. Đó là do cơ thể đang trải qua thời kỳ mãn kinh. Thay đổi chính trong thời kỳ này là lượng hormon estrogen giảm mạnh. Khi lượng estrogen giảm sẽ làm xương mất nhanh hơn. Thực tế là trong vòng 5 năm đầu tiên sau mãn kinh, một số phụ nữ vẫn có thể mất tới 25% trọng lượng xương của cơ thể và làm cho xương yếu và giòn.

Mãn kinh là nguyên nhân thường gặp nhất gây loãng xương; nguyên nhân tiếp theo có thể do phải phẫu thuật cắt bỏ hai buồng trứng (nơi sản xuất estrogen). Tuy nhiên, mất xương cũng có thể do bệnh khác hoặc các tác nhân khác như dùng corticoid quá liều và kéo dài, ít vận động cơ, hàm lượng canxi thấp trong khẩu phần ăn...

Để đề phòng chứng loãng xương, mẹ cháu nên bổ sung canxi trong chế độ ăn hằng ngày như: hải sản, sữa... Tập luyện thường xuyên nhẹ nhàng các môn thể dục như đi bộ, chạy... để giúp tăng độ bền của xương... Để chữa trị chứng loãng xương, mẹ cháu cần đến bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để được tư vấn dùng thuốc, cách tập luyện cũng như ăn uống hợp lý.

BS. Ngọc Lan

0 nhận xét:

Đăng nhận xét